7 bí kíp để giúp bạn dẹp bỏ nỗi lo lắng
Điểm xuất phát của lo lắng đến từ nhiều nguồn khác nhau như căng thẳng trong công việc, mối quan hệ cá nhân, những suy nghĩ không đúng đắn… Từ đó, chúng gây cản trở cho khả năng tập trung vào công việc.
Tác hại của lo lắng là điều mà mọi người đều đã nhận biết và muốn tránh, nhưng để dừng lo lắng là điều không dễ dàng.
Tuy nhiên, có một số ít các thói quen mà khi bạn đã sở hữu và áp dụng vào thực tế, chúng có thể giúp ngăn chặn lo lắng và giải phóng tâm trí để bạn tập trung vào những mặt tích cực của cuộc sống.
Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng, hãy thử một hoặc nhiều các thói quen sau đây:
1. Thiết lập một nguyên tắc “thời gian lo lắng”
Đôi khi, bạn biết rằng mình sẽ phải lo lắng về điều gì đó vào hầu hết các ngày, do đó, thay vì để cho những lo lắng kiểm soát suy nghĩ của bạn, hãy dành thời gian để chủ động kiểm soát chính nỗi lo lắng của mình.
Trong một ngày, hãy thiết lập một khoảng thời gian cố định khoảng 30 phút, cho phép mình lo lắng. Vì theo một số nghiên cứu từ Đại học Penn State, việc dành một khoảng thời gian như thế có thể giúp bạn trì hoãn việc lo lắng, sau đó giải phóng năng lượng và giữ tâm trí của bạn cho những hoạt động trong thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng hiệu quả thời gian cho phép mình lo lắng để tìm ra giải pháp cho vấn đề thay vì chỉ suy nghĩ luẩn quẩn về bản thân vấn đề đó.
2. Góp nhặt những lo lắng thành một danh sách
Hầu hết mọi người bị ngập trong vô số những lo lắng, thay vì chỉ một vấn đề hiện lên trong tâm trí. Khi điều này xảy ra, hãy ngồi xuống rồi viết hoặc liệt kê chúng thành một danh sách. Thực hiện được việc này sẽ giúp bạn bớt lo lắng trong suy nghĩ theo hai cách:
Đầu tiên, thói quen này sẽ buộc bạn phải chủ động đối mặt với vấn đề thay vì thụ động để lo lắng chi phối. Khi viết ra một danh mục mà bạn đang cảm thấy lo lắng, vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn và đôi khi chúng sẽ được “gộp” lại thành một số ít nỗi lo cốt lõi.
Thứ hai, bạn có thể hình dung hóa những vấn đề mình đang lo lắng trong suy nghĩ. Chúng có vẻ nhỏ hơn điều mà bạn đã phóng đại ban đầu, từ đó giúp bạn cải thiện tâm trạng để sẵn sàng đối mặt với những vấn đề đó.
3. Giữ cho bản thân bận rộn
Tại sao việc giữ cho bản thân luôn bận rộn lại có thể xua tan nỗi lo lắng? Trong cuốn sách How to Stop Worrying and Start Living (Quẳng gánh lo đi và vui sống), tác giả Dale Carnegie đã trích lời từ các nhà tâm lý, lý giải điều trên dựa trên một quy luật cơ bản nhất của tâm lý học: Một người dù thông minh đến mấy cũng không thể đồng thời nghĩ đến hai điều.
Không thể cùng một lúc vừa hăng hái và nhiệt tình làm một việc gì đó vừa cảm thấy lo lắng, bất an. Trạng thái cảm xúc này sẽ loại bỏ cảm xúc kia. Khi bạn đang lo lắng, hãy buộc mình làm một công việc nào đó đòi hỏi mức độ tập trung cao, việc này có thể làm cho những suy nghĩ lo lắng biến mất.
4. Nói chuyện với ai đó về chủ đề khác
Chiến lược này có thể được hiểu là đánh lạc hướng suy nghĩ, bằng cách bắt chuyện với một người đang ở gần về một chủ đề mới và phải không liên quan với vấn đề khiến bạn lo lắng.
Khi bạn nói, các thành phần xúc cảm của não bộ sẽ buộc bạn phải đầu tư và hướng mọi sự tập trung vào cuộc trò chuyện, từ đó quên đi những rắc rối khiến bạn lo lắng. Miễn là bạn có thể khơi chuyện và giữ cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị trong một vài phút thì mọi sự chú ý của bạn sẽ đổ dồn vào chủ đề mới và tránh xa những lo lắng trước đó.
5. Thiền
Để việc hành thiền phát huy hiệu quả, bạn phải thực hành điều này trong một khoảng không yên tĩnh. Bất cứ khi nào bạn không vướng bận lo lắng hoặc phân tâm, dành một vài phút để tâm trí của bạn trở nên như hư không. Đừng nghĩ bất cứ điều gì, và nếu có một suy nghĩ lướt qua trong đầu, hãy bình tĩnh đối mặt với chúng và rồi để chúng lướt qua.
Khi chăm chỉ rèn luyện, bạn có thể sử dụng “thiền” để chống lại lo lắng dù gặp phải những tình huống căng thẳng và khó khăn nhất.
6. Rèn luyện thể chất
Có thể nhiều người đã biết rõ những lợi ích tinh thần và thể chất khi chúng ta chăm chỉ rèn luyện thể thao. Việc này giúp giải phóng serotonin – “hóc môn hạnh phúc” – làm giảm căng thẳng thần kinh.
Kết hợp với những hiệu ứng khác, tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm mức độ lo lắng. Nhất là vào buổi sáng, việc tập thể dục có thể giúp bạn giảm thiểu những suy nghĩ lo lắng trong suốt cả ngày.
Tuy nhiên, nếu sự lo lắng vẫn tìm đến, hãy mở cửa để ra ngoài dạo bộ hoặc chạy bộ vòng quanh để giải phóng tâm trí và năng lượng.
7. Ngắt kết nối internet và cả điện thoại
Thông tin truyền thông rộng lớn của chúng ta là sự khởi nguồn chính yếu của sự lo lắng, cho dù bạn có nhận ra hay không. Tiếng bíp liên tục của các email gửi đến, cuộc gọi và tin nhắn có thể gián đoạn suy nghĩ và dẫn đến tâm trạng lo lắng.
Thậm chí, một hoạt động tưởng như vô hại như lướt Facebook cũng có thể dẫn bạn tiếp cận với thông tin không tích cực như lời phàn nàn của bạn bè, những sự kiện gợi nhớ vấn đề khiến bạn lo lắng…
Hãy hạn chế tiếp cận những sự việc tiêu tực từ truyền thông và đừng để chúng can thiệp và ảnh hưởng tới những suy nghĩ bên trong bạn. Bất cứ lúc nào đủ dũng cảm để ngắt kết nối hoàn toàn với internet và điện thoại, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng của mình tốt dần lên.
Leave a Reply