5 nỗi khổ của các doanh nhân mà không phải ai cũng biết
Trở thành doanh nhân luôn có một sức hấp dẫn rất lớn, không chỉ về tài chính mà còn là cảm giác có thể kiểm soát mọi thứ. Thế nhưng vì sao vẫn có những người chỉ muốn làm công ăn lương? Sau 20 năm điều hành công ty riêng, Gene Marks, Chủ tịch The Marks Group đã chia sẻ trên Entrepreneur những nỗi khổ mà doanh nhân nào cũng gặp phải.
1. Ngày nào cũng phải giải quyết rắc rối với khách hàng
Ngày nào cũng vậy luôn. Chúng tôi có hàng trăm khách hàng, hầu hết họ là những công ty vừa và nhỏ. Lúc nào họ cũng ỉm đi khoản thanh toán hoặc đợi cho đến khi nhân viên kế toán phải gọi điện nhắc. Và phải mất vài tháng sau họ mới trả tiền cho những dịch vụ mình đã sử dụng.
Chúng tôi chỉ là một công ty nhỏ nên thường không được khách hàng ưu tiên. Hóa đơn của chúng tôi luôn xếp sau hóa đơn từ những nhà cung cấp lớn, các công ty tín dụng hay lương cho nhân viên. Vì thế, lúc nào tôi cũng phải đau đầu tìm cách khiến họ thanh toán đúng hẹn.
2. Luôn bị thất hứa
Doanh nhân là những người luôn phải đối mặt với những lời hứa hão. Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao phần lớn doanh nhân đều rất đa nghi chưa? Đó là bởi họ đã trải qua nhiều năm phải làm việc với những người nói dối không chớp mắt: nhân viên không đi làm như đã cam kết, nhà cung cấp không giao hàng đúng hẹn, khách hàng không thèm thanh toán, khách hàng tiềm năng đột nhiên đổi ý, đối tác bất ngờ nâng giá hay hủy hợp đồng…
Rất hiếm khi tìm được người thực sự biết giữ chữ tín, và điều này luôn khiến các doanh nhân phải đau đầu.
3. Bận bù đầu
Đôi khi tôi có việc cần tới vài công ty lớn và vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng mới hơn 5 giờ mà nhân viên đã về gần hết. Một nhân viên ở đó nói: “Tôi làm việc để sống, chứ không sống để làm việc”. Nhưng tôi thì ngược lại.
Tôi có kỹ năng quản lý thời gian khá tốt, nhưng rốt cuộc vẫn bị xoay như chong chóng. Tôi phải giải quyết mọi vấn đề ảnh hưởng đến số dư tài khoản của mình, dù nó xảy ra khi nào và do ai gây ra đi chăng nữa.
Đối với doanh nhân, nghỉ lễ hay cuối tuần thì vẫn là ngày làm việc. Tôi không thể bỏ việc đấy mà đi chơi được. Tôi không có ông chủ, nhưng có cả trăm khách hàng. Tôi có cả tá đối thủ chỉ chực chờ mình phạm sai lầm. Cứ hỏi bất cứ doanh nhân nào mà xem, họ chẳng bao giờ bỏ công việc ra khỏi đầu được.
4. Chính phủ luôn làm khó
Từ tăng thuế, chi phí chăm sóc sức khỏe đắt đỏ, luật làm thêm giờ, luật lao động, kiểm toán nhà nước, giấy phép của chính quyền cho tới yêu cầu bồi thường của công nhân, doanh nghiệp luôn phải tốn cả đống thời gian để giải quyết những vấn đề này với Chính phủ.
Cứ một quy định mới được đưa ra kèm theo cả núi giấy tờ, tài liệu, là một lần khiến doanh nghiệp phải đau đầu. Đôi khi điều này khiến tôi như phát điên lên được.
5. Luôn phải lo lắng
Sẽ ra sao nếu năm tới không có doanh thu? Nền kinh tế mà suy thoái thì sẽ thế nào? Liệu đối thủ có tung ra sản phẩm tốt hay rẻ hơn không? Nếu nhân viên cốt cán nghỉ việc? Nếu nhân viên kiện công ty? Khách hàng bị thương khi sử dụng sản phẩm hay bị ngộ độc khi dùng bữa ở nhà hàng của mình?
Doanh nhân luôn bị ám ảnh bởi những chữ “nếu” đó. Tất nhiên là bạn có bảo hiểm, nhưng bảo hiểm cũng chẳng thể cứu vãn danh tiếng hay bảo vệ bạn khỏi những thay đổi chính sách của Chính phủ. Tôi luôn phải lo lắng như vậy bởi tất cả từ nhân viên, đối tác, khách hàng cho tới nhà cung cấp, chưa kể gia đình tôi, đều sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của tôi. Nói chung là nhiều áp lực vô cùng.
Tôi không đang phàn nàn về việc điều hành một công ty đâu. Chỉ đang nói sự thật thôi. Trong cuộc sống, chẳng có gì là tốt hết và xấu hết cả. Tất cả đều là do thái độ mà thôi. Thế nên, nếu bạn đang nghĩ đến việc mở một công ty, bạn nên có thái độ đúng đắn. Vì có rất nhiều lý do khiến việc điều hành doanh nghiệp rất kinh khủng. Và có lẽ đó cũng chính là lý do phần lớn mọi người chẳng muốn làm việc này.
Leave a Reply